Cờ vua lãng mạn – kỷ nguyên của “Ván cờ bất tử”
Là một trò chơi đã đi qua hàng ngàn năm tồn tại song song với đời sống con người, vượt cả những biến cố lịch sử và sự đổi thay về tư duy, Cờ vua cũng có cho mình những giai đoạn huyền thoại với nhiều điển tích riêng biệt. Trong số đó, không thể không kể đến một đoạn lịch sử mà người ta say mê với phong cách chơi mang tên “cờ vua lãng mạn”, thời đại của ván cờ được xem là bất tử – khi khoa học máy tính còn chưa ảnh hưởng đến đời sống con người. Hãy cùng “Cờ vua Sài Gòn”ngược dòng thời gian để tìm hiểu về phong cách chơi cờ của thời kỳ “Cờ vua lãng mạn” nhé!
Tóm lược về thời gian lịch sử
Từ cuối thế kỷ 18 đến những năm 1880, “cờ vua lãng mạn” là phong cách chơi cờ chủ yếu và của hầu hết các kiện tướng nổi tiếng. Sau những cải cách và biến hoá từ trò chơi chaturanga của Ấn Độ, những ván cờ vua buổi sơ khai mang đậm lối chơi cảm tính, những bước di chuyển có phần vội vàng và các chiến thuật đối phó với nút thắt trước mắt hơn là kế hoạch lâu dài. Người ta áp dụng tư duy về chiến tranh ngoài thực tế vào việc chơi cờ vua. Thậm chí đi xa hơn, các nhà đạo đức thời đó lấy cả cờ vua ra để giảng đạo. Thời kỳ này có hẳn những quyển sách sử dụng cờ vua để định hướng đạo đức xã hội và được cho là bán chạy thứ hai, chỉ sau Kinh Thánh!
“Ván cờ bất tử” là tên gọi dành cho một ván đấu cờ vua nổi tiếng giữa Adolf Anderssen và Lionel Kieseritzky diễn ra vào ngày 21 tháng 6 năm 1851 khi hai kỳ thủ đang tham dự giải cờ vua quốc tế đầu tiên ở Luân Đôn.
Xem thêm: Ván cờ bất tử – huyền thoại Cờ vua năm 1851
Trong ván cờ này, phong cách chơi của hai kỳ thủ mang nét đặc trưng đại diện cho lối chơi cờ vua lãng mạn bao trùm lên thời đại mà họ đang sống. Họ tấn công mãnh liệt và rực lửa, sẵn sàng thí quân để đi đến chiến thắng cuối cùng. Anderssen đã hy sinh táo bạo để giành lấy chiến thắng. Bất chấp việc phải từ bỏ 2 Mã, 1 Tượng, thậm chí là cả Xe và Hậu, ông vẫn bắt chết đối thủ bằng Tượng và Mã. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho phong cách lãng mạn thời kỳ này!
Sau thời kỳ này cũng là lúc con người chạm đến tiến bộ về khoa học, hoà nhập vào kỷ nguyên của sự hiện đại mới. Các giải đấu cờ chính thức được tổ chức từ sau thế kỷ 19, trong khi Giải vô địch cờ vua thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1886.
Cờ vua lãng mạn là khi “cuộc đời” và “cuộc cờ” có quá nhiều mắc nối
Gọi là phong cách lãng mạn bởi trong giai đoạn này, các kỳ thủ làng cờ đều thể hiện cá tính riêng của mình theo cách rất “nghệ sĩ”. Những nguyên tắc về kiểm soát các ô trung tâm chưa bị đặt nặng. Người chơi mang tư duy đánh cờ như đánh trận, áp dụng “cuộc đời” vào “cuộc cờ” một cách chân thực và đầy liều lĩnh.
Những con Tốt – những người lính cứ thế điên cuồng tiến lên, mạnh mẽ tiến lên. Phòng tuyến của họ không đồng đều nhưng vẫn đảm bảo sự vững vàng cho các quân cờ sau. Các hiệp sĩ – những quân Mã phi nước đại va chạm với nhau theo kiểu rực lửa nhất. Chúng buộc kẻ thù phải lùi lại, chúng đòi chiếm lấy những ô quan trọng, trong khi quân tiếp viện của đối thủ vẫn đang truy sát khắp chiến trường, sẵn sàng hạ gục chúng bất kỳ lúc nào. Các vị vua, hoàng hậu, bộ binh,… trên bàn cờ và các chiến lược của người chơi là một câu chuyện ngụ ngôn hoàn hảo cho sự hy sinh và đam mê về tình cảm.
Chủ nghĩa lãng mạn được đặt trong bối cảnh thời kỳ hỗn loạn ở châu Âu. Cách mạng Pháp và Chiến tranh Napoleon đã làm khuynh đảo văn hóa. Và trong khi các vị vua và hoàng hậu trong thế giới thực không còn nhận được sự sùng bái tuyệt đối, thì trên bàn cờ, họ đã trình bày những câu chuyện kịch tính về mất mát và hy sinh mang âm hưởng lãng mạn thời bấy giờ. Mục đích đánh trận là lấy mạng tướng giặc nên trên bàn cờ vị trí cần tập trung tấn công của các kì thủ bấy giờ là khu vực quân Vua đứng. Dấu vết của cách đánh này có thể tìm được ở những ván chơi của Gioachino Greco (1600-1634), kì thủ người Ý này được cho là tay cờ mạnh nhất thời bấy giờ.
Cũng trong thời kỳ này, một phong trào nghệ thuật và văn hóa đã lan rộng khắp châu Âu, tập trung vào các cuộc biểu tình thiêng về cảm xúc và chủ nghĩa cá nhân. Phong trào được biết đến với cái tên “Chủ nghĩa lãng mạn” với rất nhiều bài thơ, tiểu thuyết và tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng vượt qua định luật băng hoại của thời gian và hiện hữu đến tận ngày nay. Bao gồm cả những bài của Wordsworth, Byron, Goya và Blake. Và Cờ vua dường như cũng bị ảnh hưởng bởi đời sống, hay nói đúng hơn trở thành thức tranh phản chiếu đời sống. Một số bậc thầy Cờ vua nổi tiếng đã lập luận rằng Cờ vua là một loại hình nghệ thuật được đặt bên trong một môn khoa học!
Đối với ván cờ bất tử năm 1851, ở thời đại của chúng ta khi nhìn vào, có thể cho rằng đây là một ván cờ tập trung vào tốc độ và niềm đam mê thí quân như một chiến lược âm thầm giành lấy sự phát triển từ sâu bên trong những ham muốn chiếm lợi thế của đối thủ. Kieseritzky – người cầm quân đen tuy thua cuộc nhưng ông đã chơi rất tốt ván cờ của mình. Giữ quân kỹ càng, chớp lấy cơ hội và có phần cẩn trọng.
Nhưng đối với tiêu chuẩn của thời đại “Cờ vua lãng mạn” thì sự đánh giá là hoàn toàn khác. Ván cờ này được nhìn bằng con mắt của những nghệ sĩ. Anderssen – người cầm quân Trắng đã đào một con đường đẫm máu xuyên qua kẻ thù của mình. Mặc dù ông ta đánh đổi bằng tất cả những quân cờ quan trọng – đại diện cho những người thân thiết của mình, ông ta không ngại hy sinh để buộc kẻ thù vào thế bí và giành lấy chiến thắng. Theo nghĩa này, cuộc cờ được hiểu như một cuộc đời, là cuộc đối đầu của những vị anh hùng vì nghĩa diệt thân, hơn là một trò chơi mang tính giải trí!
Philidor và câu nói bất hủ
Giữa thời kỳ của những người nghệ sĩ chơi cờ vua, xuất hiện một Francois-Andre Philidor (1726-1795) – người đưa ra quan niệm xung quanh việc xây dựng thế cờ với quân Tốt. Trong khi những người khác không mấy xem trọng quân Tốt và vẫn thường cho rằng 8 quân cờ nhỏ này như một chướng ngại ngăn cản họ phát triển quân để tấn công, thì Philidor ngược lại cho rằng: “Tốt là linh hồn của cuộc cờ.”
Với tầm nhìn vượt thời đại và gần như mang tính định hình, không có gì khó hiểu khi ông trở thành một trong những “kì vương không ngai” đầu tiên của làng Cờ vua. Tức là người được xem là nhà vô địch ngay cả khi chưa có một giải đấu chính thức hay danh xưng nào để công nhận điều đó cả!
Tư duy này của Philidor gây nhiều tranh cãi trong thời đại của ông. “Một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, và chỉ với một Philidor đã không đủ để thay đổi phong cách “đánh cờ như đánh trận” được lan rộng trong cả một thời kỳ dài của lịch sử cờ vua.
Mãi cho đến khi xuất hiện Wilhelm Steinitz (1836-1900), nhà vô địch chính thức đầu tiên của làng cờ, tư duy xây dựng cấu trúc Tốt của Philidor được xem trọng và cải tiến. Steinitz dùng ngôi vô địch của mình để chứng minh rằng tư tưởng của Philidor là hợp lý và khiến cho hàng ngàn người chơi theo phong cách lãng mạn đứng bên bờ vực sụp đổ khi đối diện với một thực tế thua cuộc đầy phũ phàng. Với cách chơi cờ ngược lại tất cả những cao thủ cùng thời kỳ, Steinitz phòng thủ chắc chắn và không vội tấn công hay thí quân điên cuồng. Tuy giành về chiến thắng và ngôi vị cao nhất, lối chơi của ông gây nhiều tranh cãi hơn cả vì bị xem là một kẻ hèn nhát và không đẹp mắt, không vừa ý người xem.
Nhưng cách đánh phòng thủ cẩn trọng và tính toán chuẩn mực này của Steinitz không có gì sai! Mọi sự lãng mạn đều là vô nghĩa nếu chúng ta không chạm đến được mục đích cuối cùng của trò chơi – chính là giành chiến thắng. Thông qua một Steinitz như thế, người ta có dịp nhìn lại rằng cờ là một môn thể thao trí tuệ, và khi con người tìm ra những lý thuyết mới, sáng tạo ra các chiến lược và nghiên cứu suốt một thời gian dài đầy tâm huyết đổi về chiến thắng, đây mới chính là dấu hiệu đáng mừng nhất trong làng cờ. Điều này đồng nghĩa với sự phát triển của trí tuệ. Sự lãng mạn kia tuy đẹp, tuy gợi ra nhiều câu chuyện thi vị, nhưng nó hoàn toàn không được xây dựng trên giá trị cốt lõi của Cờ vua.
Dù sao đi nữa, đây cũng là một thời kỳ nổi bật và mang đến nhiều hoài niệm trong lịch sử của Cờ vua. Ngày nay, lối chơi lãng mạn có lẽ đã rơi vào quên lãng khi trí tuệ nhân tạo được phát triển và máy tính trở thành công cụ luyện tập hữu ích. Chúng có thể thuộc nằm lòng hầu như tất cả các dạng khai cuộc hay, đồng thời tối ưu hoá tất cả các nước đi để đến được chiến thắng cuối cùng.
Những người xưa cũ, khi phong cách chơi cờ yêu thích sụp đổ, họ vỡ mộng, họ bị đánh tơi bời vào lòng tự tôn, nhưng không vì thế mà họ bỏ Cờ vua! Trong một cuộc cờ, mục đích cuối cùng là giành thấy chiến thắng, nhưng người chơi Cờ vua đối với sự đổi thay này, họ không kiên cường cổ hủ để tranh giành hơn thua mà cố gắng thay đổi, hoà nhập để Cờ vua tiếp tục xuôi dòng lịch sử, là một trò chơi hữu ích trong sự phát triển trí tuệ con người và tồn tại mãi đến ngày nay.
Để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến khoá học Cờ vua và phương thức giảng dạy của trung tâm, Quý phụ huynh hãy liên hệ:
Website: http://covuasaigon.edu.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/CovuaSaiGon/
Hotline: 0845700135